Hội Tư vấn thuế Việt Nam giải đáp một số câu hỏi thắc mắc về thuế
1. Về thuế suất Thuế GTGT của sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ
Tại Tiết đ, khoản 3 Điều 2 Nghị định số: 209/2013/NĐ-CP quy định:
3. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng:
đ) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng( các sản phẩm do người tự sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra không chịu thuế GTGT...)
Tại Điều 5 Thông tư Số: 219/2013/TT- BTC quy dịnh :
Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này...
Ví dụ 19: Công ty lương thực B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì ở khâu thu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì gạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trường hợp Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty XNK C thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty XNK C.
Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bún, bánh phở) thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty TNHH D.
Trên hoá đơn GTGT lập, giao cho Công ty XNK C, Công ty TNHH D, Công ty lương thực B ghi rõ giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Công ty lương thực B bán trực tiếp gạo cho người tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này
Hội tư vấn thuế đã xin ý kiến Lãnh đạo Bộ tài chính và Tổng cục Thuế về nội dung này và xin hướng dẫn cho các Hội viên như sau:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh khác không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ, trường hợp bán cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức nộp thuế theo phương pháp trực tiếp , cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.
Có thể hiểu một cách đơn giản là: Đơn vị nộp GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trên cho các đơn vị thuộc các khâu trung gian áp dụng nộp GTGT theo phương pháp khấu trừ như : thương mại, xuất khẩu, sản xuất, chế biến, khách sạn ...nộp thuế GTGT thep phương pháp khấu trừ đều không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Nếu trực tiếp bán ra ở khâu thương mại: như siêu thị bán rau, cá.. và bán cho người nộp thuế theo phương pháp trực tiếp thì kê khai nộp thuế theo thuế suất 5%.
2. Về đăng ký phương pháp nộp thuế GTGT
Khoản 3 Điều 12 Thông tư số: 219/2013/TT- BTC quy định : Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, bao gồm:
a) DN, HTX đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán , sổ sách, hóa đơn chứng từ theo quy định
b) DN mới thành lập từ dự án đầu tư của đơn vị đang hoạt động nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
c) DN, HTX mới thành lập thực hiện đầu tư , mua sắm TSCĐ, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên Hóa đơn, kể cả mua TSCĐ, máy móc, thiết bị trước khi thành lập (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của ĐV không HĐ vận tải, Du lịch, khách sạn); tổ chức NN, cá nhân nước ngoài KD tại VN theo Hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ.
d) Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra.
DN mới thành lập từ dự án đầu tư, mua sắm TSCĐ, máy móc thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đ phải gửi thông báo việc áp dụng phương pháp tính thuế tính thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng với hồ sơ đăng ký thuế.
Trong thời gian 5 ngày làm việc, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho đơn vị biết việc chấp thuận hay không chấp thuận thông báo về việc áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Tổng cục thuế đã có công văn Số 624 /TCT- CS ngày 28 tháng 2 năm 2014 hướng dẫn:
-Trường hợp cơ sở kinh doanh đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ nếu tự nguyện đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thì điền vào Thông báo theo mẫu số 06/GTGT nội dung:
“ ....cơ sở chúng tôi đăng ký với cơ quan thuế được áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ.
Thời gian đề nghị được áp dụng kể từ năm 2014...”
- Trường hợp CSKD không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện áp dụng phương pháp trực tiếp thì điền vào Thông báo theo Mẫu số 06/GTGT nội dung:
“ ....cơ sở chúng tôi đăng ký với cơ quan thuế được áp dụng tính thuế theo phương pháp trực tiếp.
Thời gian đề nghị được áp dụng kể từ năm 2014...”
Cơ sở kinh doanh gửi lại Thông báo theo mẫu số 06/GTGT trước ngày 15/3/2014.
3. Về hóa đơn chứng từ :
- Bộ Tài chính có CV số 1781/BTC-TCT ngày 11/2/2014 hướng dẫn:
Trường hợp doanh viết hóa đơn chỉ sai về “hình thức” như: hàng hóa xuất khẩu tại chỗ đã sử dụng hóa đơn GTGT; hóa đơn viết tắt tên, điạ chỉ người mua hàng nhưng đúng mã số thuế; viết hóa đơn nhưng chưa gạch chéo đúng quy định phần trống thì Bộ Tài chính yêu cầu các Cục thuế kiểm tra thực tế nếu hóa đơn đã lập phù hợp với sổ kế toán, phản ánh đúng bản chất kinh tế, có thanh toán qua ngân hàng theo quy định thì Cục thuế hướng dẫn nhắc nhở DN và thực hiện hoàn thuế hoặc cho khấu trừ theo đúng thực tế phát sinh.
- Ngày 17 tháng 01 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định Số: 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2014. Nội dung chủ yếu như sau:
3.1 Loại hóa đon:
1. Sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 như sau:
“1. Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
b) Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;
c) Hóa đơn bán hàng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp.
d) Các loại hóa đơn khác, gồm: Vé, thẻ hoặc các chứng từ có tên gọi khác nhưng có hình thức và nội dung quy định tại các Khoản 2, 3 Điều này.
Tiết a của Khoản 1, Khoản 2 Điều 4, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 là: a) Hóa đơn xuất khẩu là hóa đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan;
Theo đó loại hóa đơn xuất khẩu sẽ không còn áp dụng.
3.2 . Thay đổi quy định về việc in, đặt in, mua hóa đơn đặt in của cơ quan thuế :
- Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế theo quy định tại Luật quản lý thuế thì không được sử dụng hóa đơn tự in mà phải thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Thời điểm không được sử dụng hóa đơn tự in được tính từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế có hiệu lực thi hành (đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế) hoặc kể từ thời điểm cơ quan thuế yêu cầu (đối với doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế). Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản này
- Trước khi đặt in hóa đơn lần đầu, tổ chức có hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp (trừ đối tượng đủ điều kiện được tạo hóa đơn đặt in) phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp văn bản đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in. Trong thời hạn 5 ngày làm việc cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải có ý kiến về việc đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế theo quy định tại Luật quản lý thuế thì không được sử dụng hóa đơn đặt in mà phải thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
Thời điểm không được sử dụng hóa đơn đặt in được tính từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế có hiệu lực thi hành (đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế) hoặc kể từ thời điểm cơ quan thuế yêu cầu (đối với doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế).”
Khoản 2 Điều 10 sửa đổi như sau như sau:
“2. Hóa đơn do các Cục Thuế đặt in được bán cho tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương và các doanh nghiệp không được đặt in, tự in hóa đơn quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 6, Khoản 2 Điều 8 Nghị định này. Các doanh nghiệp mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian 12 tháng. Hết thời gian 12 tháng, nếu đáp ứng điều kiện tự in hoặc đặt in hóa đơn, cơ quan thuế thông báo doanh nghiệp chuyển sang tự tạo hóa đơn để sử dụng hoặc tiếp tục mua hóa đơn của cơ quan thuế nếu không đáp ứng điều kiện tự in hoặc đặt in hóa đơn.”
Trân trọng.