Điện thoại: 0246 2670491
slide3.jpgslide5.jpgslide4.jpgslide1.jpgslide6.jpgslide2.jpg

Kiểm toán đầu tư xây dựng

CÂU HỎI 1

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ kinh tế tài chính đã nhận được câu hỏi của công dân Nguyễn Thái Thịnh, địa chỉ Email (thaithinhpy@yahoo.com.vn) hỏi:

”Các năm trước, khi Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn điều chỉnh dự toán chi phí xây dựng công trình, như Thông tư số 16/2005/TT-BXD, Thông tư số 07/2006/TT-BXD. Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2007/NĐ-CP "Quy định mức lương tối thiểu chung". Vậy theo quy định mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình ban hành theo Nghị định 99/2007/NĐ-CP, Bộ Xây dựng có ban hành Thông tư hướng dẫn điều chỉnh dự toán chi phí xây dựng công trình theo mức lương tối thiểu chung theo Nghị định 166/2007/NĐ-CP không?, nếu không ban hành các Thông tư hướng dẫn như trước đây thì Bộ nên có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn để các địa phương thực hiện”.

Sau khi nghiên cứu, Vụ kinh tế tài chính có ý kiến như sau: Hiện nay theo quy định mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình ban hành theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng không ban hành Thông tư hướng dẫn điều chỉnh dự toán chi phí xây dựng công trình khi Nhà nước thay đổi mức lương tối thiểu. Do việc đơn giá xây dựng để lập dự toán là đơn giá công trình được lập cùng với dự toán, được Người quyết định đầu tư (có thể là Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các Bộ, Ngành, hoặc chính Chủ đầu tư...) phê duyệt cùng với phê duyệt dự toán. Do vậy, việc điều chỉnh nhân công khi mức lương tối thiểu thay đổi là do Người quyết định đầu tư quyết định.

CÂU HỎI 2

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Khảo sát, Thiết kế XD đã nhận được câu hỏi của công dân Tống Lan Anh, địa chỉ Email (anhquang903@yahoo.com.vn) hỏi:

“Công trình thiết kế 3 bước. Giai đoạn TKKT đã có dự toán và BQLDA đã trình chủ đầu tư phê duyệt. Vậy khi thiết kế bản vẽ thi công thì BQLDA có phải trình CĐT phê duyệt dự toán giai đoạn TKBVTC không? Nếu phải trình thì theo văn bản nào?”.

Sau khi nghiên cứu, Vụ Khảo sát, Thiết kế XD có ý kiến như sau: Bạn cho biết công trình của bạn phải thực hiện thiết kế 3 bước. Theo Khoản 1, Điều 16 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ thì chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của hạng mục, công trình; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của hạng mục, công trình trước khi đưa ra thi công phải được thẩm định, phê duyệt.

Như vậy, chủ đầu tư vẫn phải thẩm định, phê duyệt dự toán trong bước thiết kế bản vẽ thi công.

CÂU HỎI 3

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Tài chính đã nhận được câu hỏi của công dân Vũ Tiến Sơn, địa chỉ Email (vutienson72@yahoo.com.vn) hỏi:

“Vừa qua cơ quan của tôi có quản 1 dự án xây dựng công trình trụ sở của cơ quan. Công trình được tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành từ khâu lập dự án đến khâu tổ chức thực hiện dự án. Căn cứ kết quả trúng thầu, Ban quản lý dự án ký hợp đồng với đơn vị thi theo hình thức hợp đồng trọn gói. Công trình đã được nghiệm thu Bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 01/2007 và hiện nay chúng tôi đang gửi hồ sơ đi kiểm toán độc lập trước khi trình sở Tài Chính quyết toán công trình. Trong quá trình thực hiện công ty kiểm toán có trừ đi các khối lượng thiết kế tính dư trong dự toán như: bê tông, ván khuôn, tô trát… Tổng giá trị trừ đi khoảng 181 triệu đồng. Đồng thời công ty kiểm toán không cộng các khối lượng có trong bản vẽ nhưng đơn vị tư vấn tính thiếu trong dự toán và giá trúng thầu không có nhưng đơn vị thi công vẫn phải thực hiện theo hồ sơ thiết kế như: Máy bơm phòng cháy chữa cháy (giá trị khoảng 150 triệu đồng). Căn cứ theo các quy định hiện hành về hợp đồng trọn gói thì Ban quản lý dự án hiểu rằng hợp đồng trọn gói là hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng trừ các trường hợp được phép điều chỉnh có quy định trong hợp đồng. Đồng thời nhà thầu phải chịu rủi ro có liên quan đến việc giá hợp đồng trọn gói (có nghĩa là giá khoán gọn theo giá trúng thầu: các khối lượng thực tế thi công nhỏ hợp thiết kế thì nhà thầu được hưởng, các khối lượng thiết kế tính thiếu và không có trong giá trúng thầu thì nhà thầu vẫn phải thực hiện theo đúng bản vẽ thiết kế). Chúng tôi có làm văn bản cho đơn vị kiểm toán nhưng đơn vị kiểm toán không thực hiện. Do vậy, trong trường hợp đơn vị kiểm toán không chấp thuận theo kiến nghị của chủ đầu tư thì việc thanh toán hợp đồng với nhà thầu xây dựng và quyết toán với sở Tài Chính chúng tôi phải thực hiện như thế nào?”.

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Tài chính có ý kiến như sau: Đối với việc bạn hỏi, chúng tôi không có hồ sơ của dự án xây dựng trụ sở của cơ quan bạn, cho nên chỉ trả lời vướng mắc của bạn cần xử lý theo các hướng dẫn cụ thể: Theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì việc thanh toán công trình, gói thầu xây lắp hoàn thành thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết, phù hợp với quy định của Pháp luật. Trường hợp, các bên đã thống nhất ký hợp đồng theo giá trọn gói và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng thì sau khi hoàn thành hợp đồng và được nghiệm thu, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu toàn bộ giá hợp đồng đã ký. Dự án xây dựng trụ sở cơ quan bạn thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, để quyết toán với Sở Tài chính bạn cần thực hiện theo Thông tư số 33/2003/TT-BTC ngày 09/04/2007; Thông tư số 98/2007/TT-BTC ngày 09/08/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/04/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

Vụ kinh tế tài chính

Bộ KH&ĐT trả lời

CÂU HỎI 4

Bạn Cao Bích Thủy ở địa chỉ e-mail: thuyctb@yahoo.com.au có câu hỏi như sau:

Công ty A được chọn làm đơn vị trúng thầu cung cấp hàng hóa, nhưng Công ty A không trực tiếp ký hợp đồng với Bên mời thầu mà ủy quyền cho Xí nghiệp B ký hợp đồng. Xí nghiệp B là một đơn vị thuộc Công ty A phụ trách toàn bộ việc cung cấp loại hàng hóa như yêu cầu của Bên mời thầu, có con dấu và mã số thuế riêng nhưng hạch toán phụ thuộc. Hỏi việc Bên mời thầu ký hợp đồng với Xí nghiệp B có đúng quy định không?

Trong trường hợp này Công ty A là nhà thầu tham dự thầu thì phải có trách nhiệm ký hợp đồng. Khi thực hiện hợp đồng, Công ty A giao cho Xí nghiệp B cung cấp hàng hóa theo hợp đồng thì chấp nhận được. Việc Bên mời thầu ký hợp đồng với Xí nghiệp B là sơ hở về pháp lý, khi xảy ra rủi ro không có cơ sở để đảm bảo. Bộ Xây dựng trả lời về việc xác định chi phí tư vấn đầu tư

CÂU HỎI 5

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Tài chính đã nhận được câu hỏi của Ông Huỳnh Nam Hải, địa chỉ Email (namhaisxd@gmail.com) hỏi:

“1/ Ngày 13/12/2006 Bộ Xây dựng (ông Đinh Tiến Dũng ký) có công văn số 2702/BXD-KTTC về giải đáp một số vướng mắc trong QLĐTXD cho Tổng công ty Khánh Việt có ý kiến: Chi phí một số công tác tư vấn: thiết kế, thẩm tra thiết kế - dự toán... được tính trên chi phí xây dựng không bao gồm chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công (theo QĐ 11/2005/QĐ-BXD). 2/ Trên Web site Bộ Xây dựng ngày 24/09/2007 Vụ Kinh tế Tài chính có trả lời cho công dân Nguyễn Thái Thịnh (thaithinhpy@yahoo.com.vn) Chi phí thiết kế được tính trên chi phí xây dựng bao gồm cả chi phí xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công (theo công văn 1751/BXD-VP)”.

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Tài chính có ý kiến như sau: - Chi phí để thực hiện việc thiết kế xây dựng công trình theo Quyết định số 11/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng được xác định vào việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình theo hướng dẫn của Thông tư số 04/2005/TT-BXD ngày 01/4/2005 của Bộ Xây dựng; - Chi phí để thực hiện việc thiết kế xây dựng công trình theo Văn bản công bố số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo và sử dụng vào việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng; Trên cơ sở hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí của hai Thông tư nêu trên: Chi phí xây dựng để xác định thiết kế xây dựng công trình có bao gồm chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công khi phải thiết kế nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công trong công trình xây dựng; Trường hợp chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công được khoán trong dự toán và tính bằng tỷ lệ % giá trị dự toán chi phí xây dựng (không phải thiết kế HM này) thì chi phí xây dựng để xác định thiết kế xây dựng công trình không bao gồm chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công; Vụ Kinh tế Tài chính

CÂU HỎI 6

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD đã nhận được câu hỏi của Ông Nguyễn Minh Tuấn, địa chỉ Email (tuanlaocai@yahoo.com) hỏi:

“Qua thời gian thực hiện các qui định của nhà nước (Luật xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Thông tư Số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 hướng dẫn một số nội dung về: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình). Tôi thấy có một số vướng mắc cần hỏi Bộ như sau: - Trong Luật xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP và Thông tư Số 02/2007/TT-BXD chỉ thấy danh mục công trình bưu chính, viễn thông. Mà không thấy có công trình công nghệ thông tin mặc dù công trình công nghệ thông tin cũng có tính chất xây dựng (xây dựng hệ thống mạng LAN, WAN, MAN...: có xây lắp và thiết bị, phần mềm). Câu hỏi 1: Nếu là công trình công nghệ thông tin có tính chất xây dựng như vậy thì có thể áp dụng vào loại công trình nào? Các định mức tư vấn áp dụng? Cơ quan có thẩm quyền thẩm định? Câu hỏi 2: Đối với các công trình chuyên ngành Bưu chính, viễn thông có tính chất xây dựng: cột anten, nhà lắp đặt thiết bị, xây dựng cống bể, tuyến cáp, Tổng đài điện tử, tuyến truyền dẫn, trạm phát sóng... thì do ngành xây dựng hoặc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thẩm định thiết kế cơ sở. Như vậy chức năng quản lý nhà nước của ngành bưu chính, viễn thông ở đây chưa thấy đề cập đến, dẫn đến việc rất khó để quản lý Quy hoạch ngành. Thực trạng tại địa phương hiện nay không có Sở nào ở qui định trên nhận thẩm định các công trình Bưu chính viễn thông (nhà nhà trạm, cột an ten)”.

Sau khi nghiên cứu, Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD có ý kiến như sau: 1. Đối với công trình công nghệ thông tin: Theo định nghĩa về “công trình xây dựng” nêu tại Khoản 2, Điều 3 của Luật Xây dựng thì công trình công nghệ thông tin có thể bao gồm các loại sau: - Nhà làm việc phục vụ công tác điều hành, sản xuất phần mềm tin học: Loại công trình này thuộc nhóm công trình công cộng trong phụ lục 1 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ. - Công trình công nghiệp điện tử tin học phục vụ cho lắp ráp sản phẩm, chế tạo linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện,… (nhà xưởng chế tạo, lắp ráp): Loại công trình này thuộc nhóm công trình công nghiệp trong phụ lục 1 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Các dự án như bạn đọc nêu nếu chỉ có hệ thống mạng LAN, WAN, MAN,… lắp đặt vào công trình xây dựng có sẵn (không có xây dựng nhà, xưởng) thì là dự án cung cấp lắp đặt thiết bị. Trong trường hợp này, hệ thống mạng không phải là công trình xây dựng nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 16 ngày 07/2/2005 của Chính phủ. Dự án sẽ được thực hiện theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo các Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999, Nghị định 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000, Nghị định 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ. 2. Về chức năng quản lý nhà nước của ngành Bưu chính, viễn thông: Theo điều 112 của Luật Xây dựng có quy định “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng’’. Như vậy, chức năng quản lý nhà nước của ngành Bưu chính, viễn thông thể hiện thông qua việc Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Xây dựng trong các nội dung đã được quy định tại Điều 111 của Luật Xây dựng. Việc quản lý qui hoạch ngành được giao cho các Bộ, ngành trung ương và được thể hiện thông qua các định hướng, quy hoạch, kế hoạch của ngành. Khi thẩm định dự án thì cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc thực hiện dự án có đúng các quy hoạch không. Việc thẩm định thiết kế cơ sở được thực hiện theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 112/CP và Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/2/2007 của Bộ Xây dựng. Theo các văn bản nêu trên thì đối với các dự án có công trình chuyên ngành Bưu chính, viễn thông mà ngành không thẩm định dự án thì khi thẩm định dự án phải lấy ý kiến của ngành Bưu chính, viễn thông (theo Điểm 1, khoản 5, điều 1 của Nghị định 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ); đối với những dự án nhóm B, nhóm C do các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước của ngành ra quyết định đầu tư thì các đơn vị này được tự tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở nếu dự án thuộc chuyên ngành được Nhà nước giao cho doanh nghiệp đó quản lý (theo Điểm b, khoản 2, mục III, phần I của Thông tư số 02/2007/TT-BXD). Như vậy ngành vẫn có thể quản lý được việc thực hiện xây dựng công trình theo quy hoạch ngành. Các công trình Bưu chính viễn thông ở địa phương như bạn đọc nêu (nhà trạm, cột an ten) thuộc nhóm công trình dân dụng (Theo bảng phân loại, phân cấp của Nghị định 209/2004/NĐ-CP) và do Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở.

Đăng ký nhận bản tin

©2011 Bản quyền thuộc về Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam.
Địa chỉ: Tầng 11 Tòa nhà Sông Đà, Số 165 Cầu Giấy, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024 6 2670491/92/93 - Fax: 024 6 2670494 - Email: vae@vae.com.vn
Chi nhánh: Số 17/3, Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Tel: 028.6294.1117 - 6252 1818 - Fax: 028 6294 1119