Điện thoại: 0246 2670491
slide3.jpgslide5.jpgslide4.jpgslide1.jpgslide6.jpgslide2.jpg

TỔNG HỢP VĂN BẢN THUẾ SỐ 05 THÁNG 08 NĂM 2019

Kính gửi: Quý Hội viên

TỔNG HỢP VĂN BẢN MỚI VỀ THUẾ

Số 05 tháng 08 năm 2019

Một số nội dung mới của Luật Quản lý thuế 2019: (tiếp theo)

2. Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Theo quy định của Luật NSNN 2015, các khoản thu thuộc Ngân sách nhà nước bao gồm: thuế, lệ phí; toàn bộ các khoản phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Để bao quát các nguồn thu của NSNN, Luật QLT 2019 đã bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả các khoản thu khác do các cơ quan khác của Nhà nước quản lý thu.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 3 đề cập cụ thể các khoản thu khác thuộc NSNN, do cơ quan thuế quản lý thu và không do cơ quan thuế quản lý thu, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này gồm:

“2. Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm:

a) Phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí;

b) Tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước;

c) Tiền thuê đất, thuê mặt nước;

d) Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

đ) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;

e) Tiền nộp ngân sách nhà nước từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

g) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan;

h) Tiền chậm nộp và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm:

a) Tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ lĩnh vực thuế và hải quan;

d) Tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công từ việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí;

đ) Thu viện trợ;

e) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.”

3. Về nội dung quản lý thuế

- Tại Luật quản lý thuế số 38/2019, các nội dung nghiệp vụ về thuế của cơ quan thuế được bổ sung tại điều khoản về Nội dung quản lý thuế, gồm:

          + Khoanh tiền thuế nợ; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ;

          + Quản lý hóa đơn, chứng từ;

          + Hợp tác quốc tế về thuế:

          + Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

Đồng thời, Luật 38/2019 cũng đã bổ sung các nội dung mới, quy định cụ thể về Giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (Điều 8); Kế toán, thống kê về thuế (Điều 13); áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử (Chương 10); và hình thành một Chương riêng (Chương 12) quy định về Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế thay cho Điều 20 của Luật QLT 2006.

- Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, tại khoản 1 Điều 8 Luật QLT số 38/2019 quy định: “Người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.”

Hiện tại, căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính (thay thế Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007). Bộ Tài chính đã có Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, cụ thể: “Thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế bằng phương thức giao dịch điện tử bao gồm: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và tiếp nhận các hồ sơ, văn bản khác của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.” 

Theo báo cáo của Tổng cục thuế, hơn 98% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ khai, nộp thuế điện tử. Ngoài ra, có 45.421 tài khoản đăng ký khai thuế điện tử của cá nhân cho thuê nhà; 88,03% số doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế điện tử được hoàn thuế điện tử; 254 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế với hơn 7,4 triệu hóa đơn đã xuất (số liệu báo cáo tại 31/12/2018).

- Về kế toán, thông kê thuế, Điều 13 Luật QLT số 38/2019 quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế như sau:

          + Cơ quan quản lý thuế thực hiện hạch toán kế toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế phải thu, đã thu, miễn, giảm, xóa nợ, không thu thuế, hoàn trả theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về ngân sách nhà nước.

          + Cơ quan quản lý thuế thực hiện thống kê số tiền thuế được ưu đãi, miễn, giảm và các thông tin thống kê khác về thuế, người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thống kê và pháp luật về thuế.

          + Hằng năm, cơ quan quản lý thuế nộp báo cáo kế toán, thống kê về thuế cho cơ quan có thẩm quyền và thực hiện công khai thông tin theo quy định của pháp luật.

- Về quản lý hóa đơn, chứng từ, Luật QLT số 38/2019 bổ sung một chương (Chương 10 – Áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử), bao gồm các điều khoản quy định về: hóa đơn điện tử; chứng từ điện tử; nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử; sử dụng hóa đơn điện tử khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử.

Về thời hạn bắt buộc các doanh nghiệp, người nộp thuế phải áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử, Luật đã quy định: Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

- Về không thu thuế, khoanh nợ: Luật số 38/2019 bổ sung đối tượng không phải nộp thuế là các Cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.

Đồng thời, Luật bổ sung các quy định về khoanh nợ tiền thuế gồm các trường hợp được khoanh nợ, thời gian khoanh nợ, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền giải quyết khoanh nợ (Điều 83 và Điều 84).

(còn tiếp)

Đăng ký nhận bản tin

©2011 Bản quyền thuộc về Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam.
Địa chỉ: Tầng 11 Tòa nhà Sông Đà, Số 165 Cầu Giấy, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024 6 2670491/92/93 - Fax: 024 6 2670494 - Email: vae@vae.com.vn
Chi nhánh: Số 17/3, Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Tel: 028.6294.1117 - 6252 1818 - Fax: 028 6294 1119